Wednesday 5 December 2012

SA ĐÉC VÀNG SON MỘT THUỞ


alt

Tôi đến Sa Đéc khi trời đã ngả chiều. Những tia nắng yếu ớt và buồn thiu vắt qua các ngọn cây cao chót vót như cố níu lấy chút ánh sáng để giữ cho ngày dài thêm một vài khoảnh khắc trước khi bóng tối trùm lên. Trong không gian chập choạng ấy, lại thêm một bên bờ sông Tiền dập dờn sóng, cứ gợi lên một điều gì đó không rõ rệt là vui hay buồn.

Cũng giống như những đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sa Đéc mang trong lòng cái phóng túng, hào sảng của vùng đất mới, đồng thời không hề giấu diếm vẻ mộc mạc, quê kiểng qua cách ứng xử và cả trên gương mặt phố phường. Chính vì thế mà tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt cho phương Nam nắng gió này. Một tình cảm lạ lùng và hết sức tự nhiên, tựa như trên đường phố bắt gặp một đôi mắt đẹp, một tà áo dài bay bay lòng bỗng ngẩn ra, bồi hồi... Ví von vậy cũng không hẳn là đúng nhưng thực lòng, khi đứng nhìn sông Sa Đéc tấp nập ghe thuyền và những con đường nho nhỏ, chạy quanh co giữa một thị xã êm đềm, tôi thấy như đang đứng ở quê nhà mình. Một cảm giác trìu mến, ấm áp cứ lan tỏa một cách nhẹ nhàng và thầm lặng, không cưỡng được.

Chiều đã hết. Bóng hoàng hôn chậm chạp phủ lên bầu trời thị xã một màu xám trong man mác. Không phải do ánh đèn đường mà từ bóng sáng trên trời cao rọi xuống gợi lên trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê, nhớ người. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ Hồ Dzếnh, khi viết bài Chiều chắc cũng trong tâm trạng như thế này. Cái màu chiều khó mà thể hiện được trên bức tranh sơn dầu, thậm chí tranh thủy mặc. Nó chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan và cuối cùng là nhìn khói thuốc bay lên cây, vờn quanh cái thời khắc chiều chậm đưa chân ngày để mà thành thơ.

Tôi đứng giữa buổi chiều Sa Đéc với bổi hổi bồi hồi như vậy.

oOo


Sa Đéc có số phận thăng trầm theo diễn biến lịch sử ở vùng đất phương Nam và của cả đất nước này. Địa danh Sa Đéc theo nhiều nhà nghiên cứu thì bắt nguồn từ chữ Phsar Dek, theo tiếng Khmer, có nghĩa là Chợ Sắt. Một số người khác lại cho rằng Phsar Dek là tên một vị thần nước của dân tộc Khmer. Trước kia, đây là đất của Thủy Chân Lạp, được Chúa Nguyễn khai phá, mở mang bờ cõi. Sau khi ổn định được vùng đất mới này, Chúa Nguyễn cho thành lập 5 đạo và Sa Đéc thuộc Đông Khẩu Đạo. Năm 1832, vua Minh Mạng thay đổi hệ thống hành chính, chia Nam bộ thành lục tỉnh và Sa Đéc thuộc phủ Tân Thành, tình An Giang. Năm 1867, sau khi xâm chiếm nước ta, Pháp lại thay đổi, chia Nam kỳ thành nhiều địa hạt và tỉnh An Giang được chia thành 3 địa hạt là Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Một thời gian dài, Sa Đéc là một thị tứ, nơi tập trung buôn bán phồn thịnh bậc nhất của đất Nam Kỳ.

Chưa được bao lâu thì đến năm 1889, Pháp lại thành lập tỉnh Sa Đéc, gồm có các quận: Châu Thành (tức thị xã Sa Đéc, một phần Châu Thành và một số vùng phụ cận ngày nay), quận Cao Lãnh và quận Lai Vung. Trong vòng 5 năm, Sa Đéc phải chịu sự thay đổi 3 lần từ 3 chế độ chính trị. Năm 1951, nhà cầm quyền thời kỳ này nhập Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa. Cho đến năm 1954, tỉnh Long Châu Sa lại được chia thành 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc. Đến năm 1956, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ lại hủy bỏ tình Sa Đéc, chia phần đất phía bờ bắc sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong; bờ nam sông Tiền nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Nhưng đến năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập và thị xã Sa Đéc trở thành tỉnh lỵ. Mười năm sau, tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp và thị xã Sa Đéc vẫn được giữ làm tỉnh lỵ. Đến năm 1994, tỉnh lỵ Đồng Tháp được chuyển về Cao Lãnh và Sa Đéc lại trở thành một thị xã với nét vẻ riêng của mình: tấp nập, đông đúc nơi chợ búa, bến thuyền... và thâm trầm trên các mái ngói cũ xưa.

oOo

Ngày trước, tức cách đây chừng vài chục năm, nhắc tới Sa Đéc, người dân Việt ở miền Nam thường nhớ tới một người và một sản vật. Đó là bà Năm Sa Đéc, một nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng và bánh phồng tôm Sa Giang khét tiếng.

Bà Năm Sa Đéc nổi tiếng với các tuồng hát bội, cải lương và cả lĩnh vực phim ảnh nữa. Lứa tuổi trung niên trở lên, nhiều người còn nhớ vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình hay vai Mạnh thị trong tuồng Mạnh Lệ Quân do bà thủ vai. Hoặc, trong các vở cải lương Đời cô Lựu, Đoạn tuyệt, bà Năm đóng vai mẹ chồng cô Diệu, mẹ chồng cô Loan (đều là mẹ chồng) đã để lại dấu ấn sâu đậm cho khán giả. Đặc biệt, khi về sống với công tử tài hoa và sau này thành học giả Vương Hồng Sển, và “kỳ án” bánh bao Cả Cần đã khiến khán giả mộ điệu không thể quên được hình ảnh bà Năm Sa Đéc vừa chanh chua, đanh đá trong vai mẹ chồng, vừa uy dũng trong vai võ tướng vừa hiền lành, chất phác và đảm đang, tận tụy giữa cuộc đời thật của mình.

Còn bánh phồng tôm Sa Giang bây giờ không còn như trước nữa. Không biết có phải do có quá nhiều nhãn hiệu bánh phồng tôm hay do khoa học phát triển, công nghệ chế biến tinh vi đã làm hương vị bánh hiện nay trở nên nhàn nhạt thế nào.

Tuy nhiên, lần này ở Sa Đéc, tôi được thưởng thức một món ngon mà tôi tin rằng, không ở đâu sánh bằng, kể cả Mỹ Tho. Đó là hủ tiếu Sa Đéc. Người phụ nữ phụ trách món hủ tiếu này ở khách sạn Bông Hồng nhiệt thành giới thiệu những hương vị đặc biệt làm nên tô hủ tiếu danh bất hư truyền. Tôi cẩn trọng như một nhà... khảo cổ học, nếm từng chút một và cuối cùng phải gật đầu công nhận hương vị tô hủ tiếu khô Sa Đéc ở đây ngon không thể tả được. Người phụ nữ chỉ vào tô đựng nước tương có màu nâu đậm đà, tiết lộ: Chính chất này làm nên cái riêng của hủ tiếu Sa Đéc mà ngay ở Cao Lãnh cũng không có được. Cũng sợi hủ tiếu dai dai, cũng những con tôm đỏ au, những cục thịt băm, miếng tim (đặc biệt là không có gan), cũng khoảnh sườn heo như những tô hủ tiếu nơi khác nhưng rõ ràng hủ tiếu khô Sa Đéc có một hương vị rất lạ và rất riêng. Tiếc một điều là không thể ăn thêm một tô nữa để xác nhận vị giác của mình.

oOo

Nhưng, mục đích chuyến đi Sa Đéc lần này không phải... khám phá hủ tiếu hay món ngon Sa Đéc mà chính là tìm lại một Sa Đéc vàng son một thuở. Không hiểu sao, khi đứng trên cầu bắc qua sông Sa Đéc, nhìn những con thuyền ngược xuôi và đưa tầm mắt chạy dọc theo đường Nguyễn Huệ, nơi có ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng tôi chợt nhớ đến câu hát của Vũ Thành An: “Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi...”. Sa Đéc ngày nay đã có những con đường rộng lớn nhưng vẫn còn đó những con đường hẹp, chạy quanh co trong phố, giống như Hội An hay khu phố cổ Hà Nội. Chính những con đường này trở thành chứng nhân cho những thăng trầm của Sa Đéc (hay của một đời người?).

Tôi ghé vào ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà vẫn còn giữ được những nét xưa cũ nhưng cảm giác chật chội đến một cách tự nhiên. Anh chàng hướng dẫn viên đẹp như con gái, thú nhận: “Một phần do con cháu bán đất lấy tiền sinh sống, phần bị người khác lấn chiếm nên không gian nhà cổ trở nên chật chội hẳn đi”. Thực ra, căn nhà cổ (được ông Huỳnh Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895 bằng gỗ và được sửa lại theo kiến trúc hiện nay từ năm 1917) này thiết kế mang phong cách Trung Hoa như thường thấy ở Hội An (Quảng Nam) hay ở Chợ Lớn (Sài Gòn), không có gì đặc biệt hơn. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được nhiều người, trong và ngoài nước, tìm đến là do mối tình của ông Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Mối tình đó được bà đưa vào tác phẩm L’ Amant nổi tiếng khắp thế giới, được dịch sang nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành phim cùng tên, năm 1991. Bộ phim này từng gây xôn xao Sài Gòn một thời và những nhà kinh doanh nắm bắt cơ hội tung ra thị trường kiểu mũ “Người tình”, dựa theo kiểu mũ nhân vật chính trong phim.

Trước dấu tích xưa cũ còn sót lại (bị tàn phá khá nhiều) của ngôi nhà cổ này, cứ gợi lên một không khí ảm đạm, buồn thương về những gì đã qua. Nhà đẹp nhưng không vui, những căn phòng theo kiến trúc cũ chật chội nhưng lạnh lẽo cứ buộc liên tưởng đến những cô phòng trong cung cấm ngày xưa. Tôi men theo lối đi, cố gắng tìm một cái gì đó, khả dĩ chứng minh cho những ngày hạnh phúc của chủ nhân ngôi nhà này bên người tình mắt xanh. Nhưng, hoàn toàn tuyệt vọng, dù đã biết trước là không thể có. Tình yêu của họ hẳn cũng mong manh và chính vì thế mà đẹp đẽ nên thu hút được nhiều người tìm đến đây.

Khi rời Sa Đéc, tôi lại nghĩ đến lẽ hưng phế của cuộc đời. Sa Đéc từng là tỉnh lỵ đông vui và bây giờ cố gắng chứng tỏ mình. Song, làm sao biết được gì sẽ xảy ra! Cũng như tô hủ tiếu Sa Đéc kia đang oằn lưng chống đỡ những món ăn xa lạ được bày ra mỗi ngày trên bàn tiệc để giữ hương hoa vàng son một thuở không bị tàn phai ngõ hầu dành tặng cho những người qua đây một ký ức đẹp.

LƯU VỸ BỬU

0 comments:

Post a Comment